Cà phê là một loại thức uống quen thuộc của người Việt và cà phê còn được xem là một văn hoá đặc sắc nơi đây. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn vừa thưởng thức cà phê vừa tò mò về lịch sử của chúng. Cà phê có cho mình những câu chuyện riêng, những giai thoại kể về nguồn gốc, hành trình chinh phục thế giới đầy sự hấp dẫn, ngoạn mục. Với bài viết hôm nay, Classic Coffee xin tóm gọn lịch sử cà phê Việt Nam để bạn đọc có cái nhìn bao quát hơn về loại thức uống đẳng cấp này.
Lịch sử cà phê Việt Nam
Cà phê Arabica
Người Việt Nam thích Robusta hơn và Robusta cũng là sản phẩm cho năng suất tốt hơn, biến Việt Nam thành một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, Arabica mới đúng là loại cà phê đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Năm 1857, Arabica được đưa vào Việt Nam thông qua những nhà truyền giáo.
Cà phê Arabica được trồng thử nghiệm tại các nhà thờ ở các tỉnh phía Bắc, sau đến về đến miền Trung. Cuối cùng, diện tích trồng cà phê lan rộng đến Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam Bộ. Sau đó, người ta mới phát hiện ra rằng, Tây Nguyên chính là vùng đất phù hợp nhất với cà phê.
Sự xuất hiện của Robusta và Excelsa
Đến năm 1908, người Pháp tiếp tục đem 2 loại cà phê khác về Việt Nam đó là Robusta và Excelsa. 2 loại cà phê này còn có tên gọi là cà phê vối và cà phê mít, chúng xuất hiện nhằm thay thế cho Arabica với năng suất khá thấp. Thoạt đầu, 2 loại cà phê này được canh tác tại các đồn điền ở Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Nghệ An.
Mãi đến năm 1925, Robusta mới được phát triển tại các tỉnh Tây Nguyên, đây cũng là thời điểm đánh dấu mốc son vàng cho lịch sử cà phê Việt Nam.
Công cuộc thay đổi lịch sử cà phê Việt
Đánh giá vùng trồng
Kết quả sản lượng cho thấy cà phê Arabica có năng suất không cao, Robusta thì không phát triển ở các vùng trồng phía Bắc, trong khi Excelsa phát triển khá tốt thì giá trị thương phẩm lại không cao. Lúc đó, các chuyên gia đã cho rằng, Arabica không nên trồng ở Việt Nam, Robusta sẽ được đưa vào Nam và Excelsa sẽ được trồng ở phía Bắc.
Công cuộc cải cách – Bước nhảy vọt của cà phê Việt
Sau 1975, đất nước chúng ta lao dốc về mọi mặt, mô hình nông nghiệp tập thể tỏ ra kém hiệu quả. Đến năm 1986, Đảng và Nhà nước đã thực hiện một “cú quay xe” ngoạn mục. Một chương trình phát triển cây cà phê được cho phép thực hiện với hàng loạt hiệp định hợp tác sản xuất được ký kết với Liên Xô, Đức, Bungary, Ba Lan, Tiệp Khắc.
Sự ra đời của Liên hiệp các xí nghiệp cà phê Việt Nam
Năm 1982, Liên hiệp này chính thức ra đời theo Nghị định 174 của Hội đồng Bộ trưởng với sự tham gia của 3 sư đoàn quân đội cùng một số công ty của Bộ Nông nghiệp. Chương trình này phát triển chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên, mở rộng diện tích trồng Robusta. Cùng lúc đó, giá cà phê trên thị trường thế giới tăng khá mạnh, lịch sử cà phê Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn phát triển vượt bậc.
Vào những năm 90, Việt Nam trở thành quốc gia có trữ lượng cà phê xuất khẩu đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 2 thế giới sau Brazil. Tuy nhiên, chúng ta chỉ tập trung vào Robusta, Arabica chỉ chiếm khoảng 5% sản lượng.
Sản lượng cà phê tăng mỗi năm từ 20 – 30%, điều này góp phần xoay chuyển mạnh mẽ nền kinh tế. Điển hình là năm 1994, cả nước có đến hơn 60% người sống ở mức nghèo khổ, còn hiện tại, con số này chỉ khoảng 10%. Và cà phê chính là nhân tố góp công không nhỏ trong thành tựu này.
Một số thống kế của lịch sử cà phê Việt Nam
Cà phê được trồng với quy mô lớn vào khoảng năm 1937, lúc này diện tích canh tác đạt 13,000ha, sản lượng chỉ khoảng 1,500 tấn.
Năm 1963, các tỉnh miền Bắc có khoảng 10,000ha trồng Arabica nhưng năng suất rất thấp, chỉ khoảng 400 – 600kg/ha.
Tính đến 1975, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích canh tác cà phê lớn nhất cả nước với 7,000ha, Lâm Đồng 1,700ha, Đồng Nai 1,300ha. Trong đó, loại cà phê chủ yếu vẫn là Robusta, còn Arabica chỉ trồng chủ yếu ở Lâm Đồng.
Đến 1994, cả nước có khoảng 150,000ha trồng cà phê với năng suất trung bình 1 tấn/ha.
Đến nay, Việt Nam có khả năng sản xuất khoảng 800,000 đến 1 triệu tấn cà phê mỗi năm. Nhưng tiêu thụ trong nước chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại chủ yếu là xuất thô. Trong 30 năm từ 1986 – 2016, sản lượng cà phê Việt Nam tăng đến 100 lần.
Lịch sử cà phê Việt Nam quả thật không hề dễ dàng nhưng chúng ta đã phát triển đầy ngoạn mục bởi sự nghiên cứu không ngừng, sự cần mẫn của người nông dân, sự hợp tác của những đơn vị trong nước cũng như quốc tế và đặc biệt đó chính là đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, thật tự hào khi nói rằng, Việt Nam là một trong những cường quốc cà phê thế giới.